Trước hết để lãnh đạo, điều hành Ban hoạt động hiệu quả thì lãnh đạo Ban cần tích cực, chủ động nghiên cứu nhằm nắm vững các Nghị quyết, đường lối, chủ trương, chính sách, pháp luật nhất là những văn bản mới ban hành của Đảng, Nhà nước và các bộ, ngành liên quan. Nắm chắc, đầy đủ các văn bản nguồn khi thẩm ta, giám sát, nhất là các Nghị quyết, Chỉ thị của Tỉnh ủy, Nghị quyết của HĐND, quyết định, văn bản chỉ đạo của UBND tỉnh.... Tranh thủ sự lãnh đạo của Đảng Đoàn, sự chỉ đạo, điều hòa, phối hợp công tác của Thường trực HĐND tỉnh để thống nhất về mặt đường lối chủ trương và vận dụng linh hoạt vào quá trình thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Ban theo đúng Luật, Qui chế, qui định. Giữ được tính chủ động, độc lập của Ban nhưng vẫn tránh sự chồng chéo, thiếu nhất quán, thiếu khoa học thậm chí “ đặt mọi chuyện vào sự đã rồi” là không nên.
Về cơ cấu tổ chức, do Ban phụ trách nhiều lĩnh vực khác nhau, cần lựa chọn các thành viên là những đại biểu có trình độ chuyên môn, có kinh nghiệm thực tiễn, có trách nhiệm và điều kiện hoạt động, có sự phân công, phân nhiệm phù hợp, đúng khả năng để thành viên phát huy khả năng góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ chung của Ban. Muốn thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ của Ban trong khi đại đa số thành viên hoạt động kiêm nhiệm, phải coi trọng việc xây dựng Quy chế hoạt động từ đầu nhiệm kỳ; chủ động xây dựng chương trình, kế hoạch công tác ngay từ đầu mỗi năm với nội dung, thời gian, phân công cụ thể thành viên phụ trách từng nhóm vấn đề, thật cụ thể, nói rõ yêu cầu phải làm gì, thời gian hoàn thành và báo cáo để các thành viên không bị động trong công việc chuyên môn.
Thành viên của Ban trên cở sở nhiệm vụ được phân công và Quy chế hoạt động cần quan tâm sâu sát, gần gũi với địa phương, cơ sở được phân công, thường xuyên gặp gỡ trao đổi ý kiến với cử tri nơi công tác, nơi cư trú và nơi mình đắc cử, sẵn sàng tiếp xúc để nghe ý kiến của mọi người dân. Vừa tiếp thu vừa có trách nhiệm giải thích các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, nhất là những Nghị quyết do Ban VH – XH thẩm tra và thuộc lĩnh vực VH XH. Đồng thời, ghi nhận những đề xuất, kiến nghị chính đáng để báo cáo với lãnh đạo Ban xử lý. Trong vấn đề này cần phối hợp tốt với các ngành chức năng và các cơ quan truyền thông để có tiếng nói chung, chuẩn xác và khách quan.
Giữa hai kỳ họp của HĐND, hoạt động chủ yếu của Ban là công tác giám sát, khảo sát, muốn nâng cao chất lượng và hiệu quả công tác này, cần hết sức coi trọng việc lựa chọn nội dung giám sát từ đó xác định rõ phương pháp, thời gian, địa điểm, thành phần đoàn giám sát. Phân công thành viên phụ trách từng nhóm vấn đề, nhóm phân tích, đối chiếu số liệu các báo cáo, nhóm nghiên cứu sâu về văn bản nguồn và đi sâu vào đề xuất, kiến nghị và giải pháp… cơ bản các thành viên thấy rõ trách nhiệm, tích cực nghiên cứu tài liệu, tìm hiểu tình hình thực tế, những vấn đề cần làm rõ hoặc cần tháo gỡ trước khi tiến hành. Cần thực hiện đúng qui trình giám sát và hết sức coi trọng việc xử lý những vấn đề “hậu giám sát”. Đồng thời, để tăng thêm hiệu lực, hiệu quả, tính chuẩn xác trong kết luận giám sát đối với những chuyên đề khó, có liên quan nhiều ngành, lĩnh vực cần tổ chức Đoàn giám sát với hình thức phối hợp 4 Ban cùng giám sát một chuyên đề.
Cần thực hiện nghiêm túc chế độ sinh hoạt Ban, chế độ hội ý công tác giữa trưởng, phó ban và chuyên viên hàng tuần, họp đoàn giám sát sau mỗi đợt công tác và duy trì chế độ phản ánh, báo cáo theo định kỳ (không kể phản ánh khi có việc đột xuất). Coi trọng việc cung cấp đầy đủ tài liệu, trao đổi thông tin hai chiều, nhất là thông tin về sự phát triển KT-XH chung của tỉnh nói chung và diễn biến, tình hình trên lĩnh vực Văn hóa – xã hội trong tỉnh tới các thành viên của Ban và ngược lại.
Đối với Đảng Đoàn, Thường trực HĐND tỉnh, lãnh đạo Ban cần báo cáo kịp thời, đầy đủ về tình hình hoạt động của Ban, thường xuyên cập nhật thông tin và báo cáo ngay các vấn đề bất cập, nảy sinh trên lĩnh vực văn hóa – xã hội để Thường trực HĐND nắm, với phương châm bất kỳ thông tin nào tốt đẹp nổi bật của tỉnh hay thông tin đang gây bất lợi cho tỉnh và nhân dân tỉnh nhà phải kịp thời báo ngay cho Thường trực, không chờ đến họp lệ mới báo cáo. Đồng thời Thường trực cũng có chương trình, kế hoạch chỉ đạo, điều hòa hoạt động của các Ban thường xuyên để vừa phát huy vai trò chủ động của các Ban và tạo sự phối hợp linh hoạt, đạt hiệu quả trong công tác.
Về công tác phối hợp, là công việc hết sức quan trọng, để Ban nắm chắc các nguồn thông tin mới, đảm bảo đúng chủ trương của Đảng và quy định của pháp luật Nhà nước, lãnh đạo Ban cần chủ động tạo mối quan hệ và phối kết hợp công tác chặt chẽ với thành viên và lãnh đạo các Ủy ban của Quốc hội, các Ban của Tỉnh ủy, với đoàn ĐBQH, các Ban của HĐND, Văn phòng Đoàn ĐB Quốc hội&HĐND tỉnh, với các sở, ban ngành liên quan, với Ủy ban MTTQ và các đoàn thể chính trị xã hội, với Thường trực HĐND và Ban Kinh tế - xã hội các huyện, thành phố…. Để tranh thủ sự giúp đỡ, tạo sự đồng thuận, hỗ trợ cùng hoàn thành nhiệm vụ.
Sau khi nhận được báo cáo kết luận của Ban qua mỗi cuộc giám sát, khảo sát, UBND tỉnh đều có văn bản tiếp thu và chỉ đạo các sở, ngành có liên quan, thực hiện những đề xuất, kiến nghị của Ban đối với đơn vị được giám sát, khảo sát. Ban VH-XH đánh giá rất cao việc làm này của UBND tỉnh, tuy nhiên Ban cũng cần yêu cầu UBND tỉnh nêu cụ thể hơn nội dung quan điểm chỉ đạo, nhiệm vụ, thời gian hoàn thành kiến nghị đối với các sở, ngành và có “hồi âm” cho Ban tỉnh biết tình hình. Khi nhận được phiếu chuyển đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân do Ban chuyển đến, các sở, ngành, địa phương sớm xem xét, giải quyết theo quy định, đồng thời thông báo bằng văn bản cho đương sự và Ban VH-XH – HĐND tỉnh biết. Bên cạnh đó lãnh đạo Ban phải có trách nhiệm thường xuyên, chủ động trao đổi, liên hệ với các Tổ trưởng các tổ Đại biểu và các Đại biểu HĐND tỉnh về tình hình hoạt động của Ban, báo cáo kết quả các cuộc giám sát, thẩm tra chính xác, kịp thời, và đầy đủ.
Nguyễn Thị Thanh Hương